Khi thành lập doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ những quy định về vốn điều lệ nhằm xác định chính xác mức đóng thuế, khả năng chi trả cho những rủi ro khi có. Việc hiểu rõ vốn điều lệ là gì, vốn điều lệ đối với công ty TNHH một thành viên/công ty cổ phần hay vốn điều lệ là bao nhiêu… sẽ giúp anh/chị có những bước khởi đầu quan trọng trong hoạt động kinh doanh sau này.
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là số vốn được các cổ đông, thành viên thành lập công ty đóng góp hoặc thực hiện cam kết đóng góp sau một thời gian nhất định và được ghi cụ thể trong Điều lệ công ty.
Đóng góp vốn được hiểu là hoạt động đưa tài sản vào công ty để có thể trở thành các chủ sở hữu chung của công ty. Về hình thức tài sản góp vốn có thể là tiền VNĐ, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi hay giá trị quyền sử dụng đất, giá trị của quyền sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó, vốn điều lệ đối với doanh nghiệp chính là sự cam kết về trách nhiệm bằng vật chất của các cổ đông với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp và vốn đầu tư cho hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời, vốn điều lệ cũng là cơ sở để phân chia lợi nhuận và rủi ro giữa các cổ đông trong quá trình kinh doanh.
Vốn điều lệ đối với công ty Cổ phần
Hiện tại, các doanh nghiệp cổ phần đang chiếm phần lớn các loại hình doanh nghiệp trên tổng số các doanh nghiệp tại Việt Nam, do vậy vốn điều lệ đối với loại hình doanh nghiệp này luôn nhận được sự chú ý quan trọng.
Căn cứ theo điều 111 của Luật Doanh nghiệp: “Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty”. Theo đó, với những công ty này chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Trong trường hợp, cổ đông góp vốn bằng tài sản hay ngoại tệ sẽ được định giá để làm rõ giá trị cổ phần khi góp vào của cổ đông. Đồng thời, cũng là căn cứ để tính khấu hao cũng như trách nhiệm đối với mỗi cổ công. Ngoài ra, công ty có thể phát hành cổ phiếu để huy động vốn sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Vốn điều lệ đối với công ty TNHH một thành viên
Vốn điều lệ với công ty TNHH một thành viên được quy định cụ thể tại Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2014 với 4 quy định như sau:
– Vốn điều lệ được xác định là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết và ghi vào Điều lệ công ty
– Trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp giấy đăng kinh doanh, chủ sở hữu doanh nghiệp đó phải thực hiện góp đủ và chính xác các loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
– Đối với trường hợp không thực hiện góp đủ vốn như quy định, chủ doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký lại vốn điều lệ của doanh nghiệp bằng với giá trị vốn thực đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần góp vốn đã cam kết.
– Cuối cùng chủ sở hữu doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm với toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp và những thiệt hại xảy ra do không đóng đủ hoặc không đóng đúng vốn điều hạn.
Vốn điều lệ đối với Công ty TNHH 02 thành viên trở lên
Cũng tương tự như những loại hình doanh nghiệp trên, vốn điều lệ doanh nghiệp đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên được xác định là tổng số giá trị phần vốn mà các thành viên cam kết đóng góp. Tuy nhiên, số vốn này có thể thay đổi sau 90 kể từ ngày doanh nghiệp nhận giấy phép đăng ký kinh doanh nếu các thành viên chưa góp đủ vốn và khi đó số đó số vốn điều lệ lại được xác định là tổng giá trị phần vốn mà các thành viên đóng góp vào thực tế.
Số vốn điều lệ của loại hình này chính là căn cứ đễ xác định mức lệ phí môn bài. Bên cạnh đó những thành viên chưa đóng đủ số vốn phải có trách nhiệm góp đủ số vốn đã cam kết trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của các thành viên. Nếu không thực hiện góp vốn đúng thời hạn sẽ không được coi là thành viên doanh nghiệp và chỗ vốn khuyết sẽ được chào bán sau.
Những đối tượng không được góp vốn điều lệ
Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam luôn tạo ra một môi trường bình đẳng, tự do nhưng nằm trong khuôn khổ của Pháp luật. Theo đó, 02 đối tượng dưới đây sẽ không được tham gia đóng góp vốn điều lệ:
– Thứ nhất, là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi nhuận riêng.
– Thứ hai, những đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp nằm trong quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Chứng minh vốn điều lệ của doanh nghiệp có cần thiết không?
Hiện tại, doanh nghiệp không cần chứng minh có đầy đủ vốn điều lệ khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với số vốn điều lệ đã đăng ký khi có những vấn đề phát sinh.
Không cần chứng minh không có nghĩa là doanh nghiệp có thể lựa chọn số vốn quá thấp hoặc quá cao so với năng lực tài chính của mình. Bởi lẽ, khi đăng ký số vốn điều lệ quá thấp sẽ không nói lên được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, gây cản trở đến việc hợp tác kinh doanh, tìm đối tác hoặc vay vốn ngân hàng khi họ nhìn vào.
Ngược lại nếu đăng ký số vốn điều lệ vượt ngoài khả năng tài chính của doanh nghiệp, có thể đây là 1 điểm mạnh để tạo sự uy tín, tin tưởng khi hợp tác với khách hàng. Tuy nhiên, khi xảy ra rủi ro trong việc làm ăn dẫn đến giải thế các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng số vốn điều lệ đã đăng ký trước đó.
Nên để số vốn điều lệ bao nhiêu là hợp lý?
Sẽ chẳng có một con số cụ thể nào cho từng doanh nghiệp, việc xác định số vốn điều lệ hợp lý phải dựa trên khả năng tài chính của từng thành viên và xác định quy mô hoạt động. Hơn nữa, số vốn điều lệ có thể điều chỉnh tăng lên sau một thời gian hoạt động ổn định.
Nếu bạn muốn nâng tầm công ty bằng số vốn điều lệ cao thì phải xác định được tiềm lực của mình trước đó. Tránh tình trạng gặp rủi ro hay phá sản mà ảnh hướng lớn đến các khách hàng, đối tác.
Bài viết này là những thông tin về vốn điều lệ cần biết, đặc biệt là những ai đang có định hướng thành lập doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chữ ký số Giao Nhanh - Call Center : 0923 990 990
119 Nguyễn Thượng Hiền, P. 6, Q. Bình Thạnh